Những điểm mới Luật sửa đổi, bổ sung Luật XLVPHC

Từ ngày 01/7/2025, Luật số 88/2025/QH15 ngày 25/6/2025 của Quốc hội Khóa XV sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành. Sau đây là một số điểm mới cần lưu ý tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật xử lý vi phạm hành chính:
(1) Quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính:
- Tăng thời hiệu xử phạt hành chính lên 02 năm với nhiều lĩnh vực kinh doanh: Theo điểm a khoản 1 Điều 6 được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Luật số 88/2025/QH15: “a) Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, trừ các trường hợp sau đây:
Vi phạm hành chính về kế toán; hóa đơn; phí, lệ phí; kinh doanh bảo hiểm; quản lý giá; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; xây dựng; thủy sản; lâm nghiệp; điều tra, quy hoạch, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên nước; hoạt động dầu khí và hoạt động khoáng sản khác; bảo vệ môi trường; năng lượng nguyên tử; quản lý, phát triển nhà và công sở; đất đai; đê điều; báo chí; xuất bản; sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, kinh doanh hàng hóa; sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả; quản lý lao động ngoài nước; khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm.
Vi phạm hành chính về thuế, kiểm toán độc lập thì thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, pháp luật về kiểm toán độc lập””.
Bổ sung đối với các vi phạm trong các lĩnh vực “khiếu nại”, “tố cáo”, “kiến nghị”, “phản ánh”, “kiểm toán độc lập”, “pháp luật về kiểm toán độc lập” thì thời hiệu xử phạt hành chính là 02 năm.
- Bổ sung quy định về việc kéo dài thêm 01 năm thời hiệu xử phạt đối với các trường hợp do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến: “Trường hợp xử phạt vi phạm hành chính đối với cá nhân, tổ chức do cơ quan tiến hành tố tụng chuyển đến thì thời hiệu xử phạt áp dụng theo quy định tại điểm a khoản này được kéo dài thêm 01 năm. Thời gian cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý, xem xét được tính vào thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính”.
(2) Bổ sung quy định Xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử
Theo Điều 18a được bổ sung vào sau Điều 18 của Luật XLVPHC năm 2012 bởi khoản 2 Điều 1 Luật số 88/2025/QH15: “Việc xử lý vi phạm hành chính trên môi trường điện tử được thực hiện khi bảo đảm điều kiện về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, thông tin.”
Các yêu cầu đặt ra gồm:
- Tuân thủ pháp luật về XLVPHC, giao dịch điện tử và pháp luật liên quan;
- Dữ liệu phải bảo đảm tính toàn vẹn, xác thực, an toàn, đúng mục đích;
- Kết nối hệ thống, chia sẻ dữ liệu kịp thời giữa các cơ quan.
Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Luật số 15/2012/QH13 không có điều khoản nào quy định về xử phạt vi phạm hành chính trên môi trường điện tử.
(3) Bổ sung về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Bổ sung Điều 37a vào Chương II Phần thứ hai và vào sau Điều 37 Luật XLVPHC năm 2012. Theo đó, các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có liên quan đến công tác Quản lý thị trường, gồm:
- Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Giám đốc Sở);
- Thủ trưởng Chi cục thuộc cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Chi cục trưởng);
- Người có thẩm quyền thuộc các cơ quan, lực lượng: Quản lý thị trường.
Căn cứ quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 1 Điều này, Chính phủ quy định chi tiết các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả của từng chức danh.
Như vậy, Luật số 88/2025/QH15 chỉ quy định chung các chức danh và Chính phủ sẽ thực hiện quy định chi tiết đối với từng chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; thẩm quyền áp dụng các hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả tại các Nghị định quy định trong lĩnh vực chuyên ngành.
(4) Bổ sung quy định về “thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân”
Tại khoản 5 Điều 1 Luật số 88/2025/QH15 quy định: “Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một chức danh là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân.
Trong trường hợp phạt tiền đối với vi phạm hành chính trong khu vực nội thành của thành phố thuộc các lĩnh vực quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này, thì các chức danh có thẩm quyền phạt tiền đối với các hành vi vi phạm hành chính do Chính phủ quy định cũng có thẩm quyền xử phạt tương ứng với mức tiền phạt cao hơn đối với các hành vi vi phạm hành chính do Hội đồng nhân dân thành phố quy định”.
Luật số 15/2012/QH13 (Điều 24 và Điều 52) trước đây chỉ xác định mức phạt tiền tối đa theo từng lĩnh vực đối với cá nhân và tổ chức, nhưng không có quy định nguyên tắc chung rằng tổ chức bị phạt gấp đôi cá nhân trong cùng hành vi. Quy định về thẩm quyền xử phạt đối với tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt đối với cá nhân được quy định tại các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực chuyên ngành.
(5) Tăng gấp đôi mức xử phạt trong trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản; bổ sung trường hợp xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản
- Theo Điều 56 Luật số 15/2012/QH13 được sửa đổi toàn diện bởi khoản 8 Điều 1 Luật số 88/2025/QH15: “Xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 500.000 đồng đối với cá nhân, 1.000.000 đồng đối với tổ chức” thì không bắt buộc lập biên bản.
Đây là giới hạn mức tiền phạt cụ thể, tạo điều kiện xử lý nhanh tại chỗ đối với vi phạm nhỏ.
Trước ngày 01/7/2025, tại Điều 56 Luật số 15/2012/QH13, mức phạt tiền không lập biên bản là “đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức”.
- Bổ sung trường hợp không phải lập biên bản vi phạm hành chính là “Hành vi vi phạm do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự chuyển đến theo quy định tại khoản 1 Điều 63 của Luật này”.
(6) Sửa đổi, bổ sung một số nội dung về lập biên bản vi phạm hành chính:
- Bổ sung “Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm, thì ghi không xác định được cá nhân, tổ chức vi phạm” vào điểm b khoản 3 Điều 58 Luật số 15/2012/QH13.
Trước đây, Luật số 15/2012/QH13 không có hướng dẫn cách ghi biên bản trong trường hợp không xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm.
- Thay đổi về thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính: Sửa đổi, bổ sung khoản 5 như sau: “5. Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển kịp thời cho người có thẩm quyền xử phạt, trừ trường hợp vi phạm hành chính xảy ra trên biển, đường thủy nội địa hoặc tàu bay, tàu biển, phương tiện thủy nội địa, tàu hỏa”.
Luật số 15/2012/QH13 quy định “Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải được giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản; trường hợp vi phạm hành chính không thuộc thẩm quyền xử phạt của người lập biên bản thì biên bản và các tài liệu khác phải được chuyển cho người có thẩm quyền xử phạt trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản, trừ trường hợp biên bản vi phạm hành chính được lập trên tàu bay, tàu biển, tàu hỏa”.
Như vậy, từ ngày 01/7/2025, thời hạn lập biên bản vi phạm hành chính phải được chuyển kịp thời cho người có thẩm quyền xử phạt, thay vì trong thời hạn 24 giờ kể từ khi lập biên bản như trước đây.
(7) Bổ sung người có thẩm quyền xác minh tình tiết vụ việc:
Bổ sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 59 Luật số 15/2012/QH13 “3. Người có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này tự mình hoặc phân công, phối hợp thực hiện xác minh và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả xác minh”.
Đây là quy định mới được bổ sung tại Luật số 88/2025/QH15, Luật trước đây chưa có quy định về nội dung này.
(8) Thay đổi thời hạn tạm giữ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính:
- Sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 60 Luật số 15/2012/QH13 như sau: “Trường hợp không thể áp dụng quy định tại khoản 2 Điều này làm căn cứ xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính để xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt, thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc có thể ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và thành lập Hội đồng định giá. Hội đồng định giá gồm có người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là Chủ tịch Hội đồng, đại diện cơ quan tài chính cùng cấp và đại diện cơ quan chuyên môn có liên quan là thành viên.
Thời hạn tạm giữ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định tạm giữ. Mọi chi phí liên quan đến việc tạm giữ, định giá và thiệt hại do việc tạm giữ gây ra do cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ chi trả”.
Trước đây, quy định “Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện để xác định giá trị không quá 48 giờ , kể từ thời điểm ra quyết định tạm giữ, trong trường hợp thật cần thiết thì thời hạn có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 48 giờ”.
Như vậy, Luật số 88/2025/QH15 đã tăng thời hạn tạm giữ để xác định giá trị tang vật, phương tiện vi phạm hành chính từ 48 giờ, có thể kéo dài thêm nhưng tối đa không quá 48 giờ thành 05 ngày làm việc.
(9) Tăng thời hạn Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành; bổ sung các hình thức gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành:
Sửa đổi, bổ sung Điều 70 Luật số 15/2012/QH13 như sau: “1. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, người đã ra quyết định xử phạt phải gửi cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt, cơ quan thu tiền phạt, cơ quan liên quan khác (nếu có) để thi hành.
2. Việc gửi quyết định xử phạt có thể thực hiện bằng một trong các hình thức sau đây:
a) Giao trực tiếp cho cá nhân, tổ chức bị xử phạt;
b) Gửi qua dịch vụ bưu chính bằng hình thức bảo đảm;
c) Gửi bằng phương thức điện tử;
d) Trường hợp không thể thực hiện được các hình thức quy định tại các điểm a, b và c khoản này, thì niêm yết công khai quyết định xử phạt tại nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở của tổ chức bị xử phạt hoặc gửi quyết định xử phạt đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi đặt trụ sở của tổ chức bị xử phạt để thực hiện niêm yết.
3. Việc gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành được thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Trước ngày 01/7/2025, quy định thời hạn Gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính để thi hành là 02 ngày làm việc, nay đã được tăng lên 03 ngày làm việc; bổ sung hình thức gửi quyết định bằng phương thức điện tử, niêm yết công khai quyết định trong trường hợp không áp dụng được các hình thức theo quy định.
(10) Một số sửa đổi, bổ sung cần lưu ý khác: sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 71; Khoản 1 Điều 125; Khoản 4 Điều 125; bổ sung điểm c và điểm d vào sau điểm b khoản 5a Điều 125; Bổ sung điểm c vào sau điểm b khoản 4 Điều 126; khoản 1 Điều 59; khoản 2 và khoản 3 Điều 62; Bãi bỏ các điều 38, 39, 40, 41, 42, 43, 43a, 44, 45, 45a, 46, 47, 48, 48a, 49, 51 và khoản 2 Điều 71 Luật số 15/2012/QH13.
(11) Lưu ý về quy định chuyển tiếp:
Kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành:
“1. Trường hợp vụ việc vi phạm hành chính đã được phát hiện và đang trong quá trình xem xét, xử lý mà cơ quan, chức danh có thẩm quyền đang xử lý vụ việc kết thúc hoạt động, thì cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ theo địa bàn, lĩnh vực tiếp tục xử lý vụ việc hoặc chuyển đến người có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp vi phạm hành chính đã có quyết định xử phạt, thì việc tổ chức thi hành, cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt, đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ, ban hành mới quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính sẽ do cơ quan, chức danh tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ theo địa bàn, lĩnh vực tiếp tục thực hiện hoặc chuyển đến người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Trưởng Công an cấp xã thực hiện thẩm quyền trong xử phạt vi phạm hành chính của Trưởng Công an cấp huyện theo nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước cho đến khi có quy định của Chính phủ thay thế hoặc nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành”.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2025.